Mối tình lớn dần lên cho đến năm 23 tuổi, tôi có thai. Lúc này chồng tôi trở nên đổ đốn. Rượu chè, ăn nhậu rồi bỏ mặc mẹ con tôi. Hàng ngày, tôi bế con đi lượm ve chai để có tiền mua sữa cho con. Cha nó mải vui chơi không một lần ghé lại. Cuộc sống cứ thế, cảnh mẹ con nheo nhóc vậy mà cũng trôi qua.
Nghĩ lại, quãng thời gian này là khổ nhất. Tay xách nách mang nuôi con lớn cho đến năm nó 10 tuổi, nó bỏ tôi đi ở với người dưng. Tôi buồn lắm nhưng biết làm sao giờ. Chỉ mong con không làm điều gì dại dột để khổ cho bản thân …', bà Hoàng nói, giọng bùi ngùi.
Mong ngoại có nhà
Thằng bé vừa thức giấc. Nó choàng tay qua ôm bà, con thương ngoại lắm. Nó gục đầu vào người bà như muốn tìm hơi ấm.
'Nó là cháu ngoại tôi đấy. Mười năm trước, trong một buổi tối, con gái tôi tìm về. Trên tay nó là một đứa bé sơ sinh còn đỏ hỏn… Đứa bé vừa đầy tháng. Nó nói, con của con đó. Con nuôi không nổi, má nuôi dùm con. Tôi từ chối, 'tao nuôi thân tao còn chưa xong làm sao nuôi con mày?'. Nói vậy nhưng nó có nghe đâu. Nó bỏ mặc con nó cho tôi rồi biến mất. Nghe nói bây giờ nó ở tận Bình Dương và rất nghèo khổ'.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, bà Hoàng và cháu trai vẫn nuôi một chú chó nhỏ để bầu bạn.
'50 tuổi, tôi ôm đứa trẻ sơ sinh đi khắp đó đây tìm kiếm mưu sinh cho cả hai bà cháu. Có những lúc đang lượm ve chai, nó khát sữa khóc tôi phải ngưng lại cho nó bú rồi làm tiếp. Nắng, gió, mưa đã quá quen với nó nên cũng ít bệnh, nhờ vậy mới qua ngày được.
Thằng bé càng lúc càng lớn. Nó cần có bạn để chơi nhưng có đứa trẻ nào dám đến chơi với nó? Buồn quá, tôi xin cho nó một con chó để nó chơi cùng. Nhưng rồi chó cũng bị bắt mất. Kiếm con khác cũng mất. Đến gần đây, tôi mới ky cóp được 500.000đ mua cho nó con chó này để bầu bạn với nó', bà nói, ánh mắt hướng về phía con chó đang nằm vẫy đuôi.
Thằng bé ôm con chó vào lòng nhìn chúng tôi. 'Con tên gì?' 'Dạ con là Mai Thành Trung nhưng ngoại cứ kêu con là Cu Bin'. 'Hàng ngày con làm gì?'. 'Con theo phụ ngoại lượm ve chai và bán vé số'.
Cu Bin cho biết, cháu đã học hết lớp 3 nhưng hiện đã nghỉ học. Cháu bày tỏ ao ước tiếp tục đến trường. 'Nhưng làm sao tiếp tục được?'.
Ngoại của Bin nói: 'Chúng tôi không nhà không cửa, không mảnh giấy tùy thân, ai cho học. Muốn lắm chứ. Đêm đêm nó thường thỏ thẻ với tôi, con không muốn ngủ ngoài đường chỉ mong có một mái nhà để con và ngoại sinh sống. Mà không học thì làm sao mơ đến được?'.
53 năm ở lề đường, đến lúc tuổi già vẫn chưa biết được tương lai sẽ ra sao. Bà nói: 'Cũng may bây giờ không còn cô độc nữa. Bên cạnh tôi còn có cháu ngoại và con chó trung thành. Tôi chỉ cầu mong ban đêm ngủ không bị đuổi, ban ngày lao động kiếm đủ tiền cơm nước qua ngày là mãn nguyện lắm rồi.
Ước mơ của đứa bé, của bà cụ không phải lớn lao gì nhưng biết bao giờ bà cháu mới đạt được ?