Để đảm bảo đủ số lượng nhân lực này, Cục hàng không đã sử dụng các giám sát viên an toàn chuyên trách và kiêm nhiệm từ các hãng hàng không, các tổ chức bảo dưỡng tàu bay. Tuy nhiên chỉ tính riêng 2019, nếu muốn có đủ 10 giám sát viên bay thì cần thêm 4 giám sát chuyên trách và 19 giám sát kiêm nhiệm (vì các giám sát kiêm nhiệm chỉ đáp ứng được 30% công việc).
Có thể thấy, bổ sung giám sát viên an toàn hàng không (mà giám sát viên bay chỉ là một phần trong số này) là nhu cầu bức thiết nhất của ngành hàng không và là vấn đề về nhân lực chuyên ngành sẽ được ưu tiên giải quyết trong thời gian tới.

Thị trường hàng không Việt Nam khan hiếm nhân lực giám sát an toàn hàng không.
Bộ GTVT cho biết từ năm 2019 - 2025, giám sát viên an toàn hàng không sẽ phải tăng từ 49 người lên 86 người (tăng 37 người) vào năm 2025 để giám sát đội bay 384 máy bay (số liệu được tính toán trên cơ sở thực tiễn khai thác của các hãng hàng không Việt Nam trung bình là 250 ngàn khách/máy bay/năm). Con số này được tính vừa khít với kế hoạch tăng trưởng đội bay của các hãng hiện đang hoạt động.
Ví dụ như Bamboo Airways đã được Chính phủ phê duyệt cho nâng quy mô đội bay từ 10 lên 30 máy bay. Đại diện Hãng nói dự kiến bổ sung đội bay lên 30 tàu bay ngay nửa đầu năm 2020 và đặt mục tiêu tiếp tục phát triển lên 100 máy bay vào năm 2024.
Trong khi đó, đội bay của Vietnam Airlines bao gồm cả Công ty bay dịch vụ hàng không Việt Nam (Vasco) dự kiến đạt 107 chiếc vào năm 2020, tăng lên 135 chiếc vào năm 2025. Đội máy bay của Jetstar Pacific đến năm 2020 là 22 chiếc và đến năm 2025 là 32 chiếc. Vietjet Air hiện đang xây dựng kế hoạch đạt 102 chiếc vào năm 2020, 200 chiếc vào năm 2025, tuy nhiên đang vấp phải khuyến nghị từ Cục Hàng không Việt Nam.