'Cây xà cừ 26 - 27 tuổi, chúng ta đánh đi thì tới đây sẽ trồng vào đâu, bởi trên địa bàn thành phố không một tuyến phố nào có thể trồng lại cây xà cừ', ông Chung nói và giải thích cụ thể, cây xà cừ khi đánh lên bộ rễ có đường kính khoảng 3m, phải đào hố 3,5m mới cho cây xuống được và ít nhất sâu 1,5m, ngoài ra cần có cọc 25m, trồng trong vòng 3 - 4 năm đến khi rễ ăn sâu vào lòng đất cây mới sống được.
Lãnh đao thành phố đặt vấn đề, với một cây phải bỏ hàng chục triệu tiền đánh chuyển, thêm chi phí chăm sóc mà chưa biết trồng ở đâu?
Trồng ở trên đường phố thì không được, chỉ trồng trong các công viên và ở đảo giao thông rộng trên đường 5 kéo dài, đường Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, với các vị trí này cũng chỉ trồng tỷ lệ nhất định vì còn để diện tích trồng các loại cây khác.
Đường vành đai 3 chậm sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ
Chủ tịch Hà Nội cho biết, nếu dự án mở đường vành đai 3 bị chậm sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ vì dự án thực hiện bằng vốn vay ODA của Nhật Bản. Đến tháng 7 này, Bộ Giao thông không khởi công được thì nguồn vốn ODA bị cắt (từ 1/8), đẩy giá thành lên rất cao.
'Dự án được phê duyệt xong từ tháng 9/2016, hơn 800 hộ dân ở đây rất ủng hộ trong vấn đề đền bù. Đến nay hơn 200 hộ thuộc địa bàn Cầu Giấy đã bàn giao xong', ông Chung nói.
Theo ông, nếu thuận lợi, cơ quan chức năng sẽ thông được 2,7km đường trước tháng 7; các kilomet còn lại dự kiến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành, và nếu hoàn thành vào cuối năm sẽ tiết kiệm được khoảng 600 - 700 tỷ đồng. 'Nếu kéo dài thì sẽ rất khó khăn', Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Trước việc Sở Xây dựng tổ chức hội thảo thay thế cây xà cừ đúng vào ngày nóng bức nhất trong vòng 40 năm vừa qua tạo ra bức xúc của nhân dân, ông Chung chia sẻ: 'Cho phép tôi thay mặt lãnh đạo thành phố rút kinh nghiệm việc này'.
Tại cuộc họp báo đầu tháng 6, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, thông tin chặt hạ hơn 1.000 cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng để hoàn thiện đường vành đai 3 mới chỉ là đề xuất của đơn vị tư vấn.
Theo đó, đơn vị tư vấn đề xuất giữ nguyên vị trí 142 cây, dịch chuyển 158 cây và giải tỏa, chặt hạ hơn 1.000 cây trong đó đa số là xà cừ.
Cũng theo Sở Xây dựng, Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2020 trồng mới một triệu cây xanh, đưa tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người lên 10 m2 (so với hơn 7m2/người năm 2015).