Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang đã lấy ví dụ về câu nói nổi tiếng rằng: “Nếu muốn đi thật nhanh thì đi một mình. Nếu muốn đi thật xa hãy đi cùng nhau”. Trong chuyến đi hướng tới tương lai của khu vực Á Âu rất cần sự đồng hành của tất cả các thành viên nghị viện.
Chính vì thế, với chủ đề “Hợp tác kinh tế, môi trường và phát triển bền vững ở các nước khu vực Á Âu” đã thu hút các đại biểu tham luận một cách sôi nổi, dân chủ, trên tinh thần cùng đồng hành.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, hầu hết các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều mang tinh thần hợp tác, thúc đẩy, đưa các nước trong khu vực phát triển bền vững, thịnh vượng. Đặc biệt, trong việc hợp tác tại lĩnh vực kinh tế, các nhà lãnh đạo của Quốc hội mong muốn, tăng cường hơn nữa hợp tác nghị viện để thúc đẩy các Chính phủ hoạt động, liên kết với nhau.
'Các Chủ tịch Quốc hội, Trường đoàn đã có những phát biểu những vấn đề lớn về an ninh, chính trị, kinh tế, môi trường và các vấn đề mới phát sinh trong khu vực Á Âu. Trong đó, các nước đề cập rất sâu về chủ nghĩa khủng bố, bạo lực, di cư, kể cả vấn đề nhạy cảm hiện nay như bảo hộ thương mại, sự sụp đổ của các nước lớn', ông Giàu cho biết thêm.
Một vấn đề khác cũng được các đại biểu quan tâm đó là về môi trường, biến đổi khí hậu; việc đánh giá tổ chức hoạt động của nghị viện các nước Á Âu. Nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng, tổ chức này rất cần thiết cho nhu cầu tất yếu của các nước trong khu vực, nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững.
Cũng có ý kiến đề cập về lòng tin của các nghị viện trong khu vực. Điều này rất quan trọng. Bởi có lòng tin thì khi hình thành cơ chế mới, sẽ phát triển bền vững.
Tại hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu với 5 đề xuất cụ thể, trong đó nhấn mạnh việc ủng hộ nỗ lực của các nước Á Âu xây dựng cơ chế hợp tác nghị viện thành một diễn đàn mạnh mẽ, hoạt động chặt chẽ hơn; mở rộng kết nối với các diễn đàn, tổ chức hợp tác liên nghị viện khác trên thế giới nhằm bổ sung và tăng cường hoạt động ngoại giao nghị viện, song hành cùng các tổ chức quốc tế và khu vực.
'Ủng hộ nỗ lực của các nước Á Âu xây dựng cơ chế hợp tác nghị viện Á Âu thành một diễn đàn mạnh mẽ, hoạt động chặt chẽ hơn; khuyến khích MSEAP mở rộng kết nối với các diễn đàn, tổ chức hợp tác liên nghị viện khác trên thế giới nhằm bổ sung và tăng cường hoạt động ngoại giao nghị viện, song hành cùng các tổ chức quốc tế và khu vực, như: Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Cộng đồng ASEAN. Đổi mới chương trình nghị sự của liên kết Á - Âu nhằm mục tiêu phát triển bền vững ở khu vực, đặc biệt là xác định các bước đi để xây dựng tầm nhìn của hợp tác Á - Âu. Tăng cường xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, cùng nhau hợp tác vì các mục tiêu phát triển bền vững, đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho mọi ngườithông qua đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, đối thoại giữa các nền văn hóanước. Tiếp tục ủng hộ cải cách các cơ chế quản trị toàn cầu theo hướng công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn, phù hợp với sự thay đổi của tương quan lực lượng và vai trò ngày càng tăng của các nền kinh tế đang phát triển', Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Sau 1 ngày thảo luận, hội nghị đã ra tuyên bố chung, đoàn Việt Nam cũng tham gia nhóm soạn thảo Tuyên bố chung. Những đóng góp của Việt Nam vào Tuyên bố chung được các nước thành viên ủng hộ. Đặc biệt, Đoàn Việt Nam nêu ra một vấn đề lớn, đó là mọi tranh chấp đều phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và xử lý theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả vấn đề Biển Đông.