Dù đại diện chủ đầu tư khẳng định dự án không ảnh hưởng đến môi trường biển cũng như ảnh hưởng đến di tích lịch sử Bạch Dinh, nhưng tài liệu mà Phóng viên Báo Công an TP.HCM thu thập được, những quan ngại mà dư luận đặt ra không phải không có cơ sở. Năm 2017, khi phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án này, một trong những lý do mà UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra để điều chỉnh dự án nhằm 'đảm bảo phù hợp quy định tại Điều 79 Luật Bảo vệ tài nguyên, môi trường Biển và Hải đảo'.
Cụ thể, Điều 79 Luật Bảo vệ tài nguyên, môi trường Biển và Hải đảo số 82/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 25-6-2015 quy định rõ 'Kể từ thời điểm Luật này được công bố (ngày 8-7-2015), giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đến khi hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập theo quy định của Luật này…'.
Thế nhưng khi quy hoạch điều chỉnh mới được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt theo QĐ số 1471/QĐ-UBND ký ngày 6-6-2018, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực của dự án này đến môi trường biển càng lớn hơn. Cụ thể, công trình 'nhà dịch vụ cáp treo' cao 11 tầng theo quy hoạch được phê duyệt năm 1999 nay được điều chỉnh nâng lên thành hạng mục 'nhà dịch vụ - nhà hàng – khách sạn' cao từ 3 đến 23 tầng.

Dư luận đang hết sức quan ngại về tác động của dự án đến môi trường biển
Ngoài ra, theo quy hoạch khu du lịch Bãi Trước được phê duyệt năm 1998, cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng 2 khu xử lý nước thải với tổng công suất 1.200m3/ngày đêm để đảm bảo không cho nước bẩn chảy ra biển. Trong đó, trạm xử lý nước thải Hòn Ngưu có công suất 400m3/ngày và trạm xử lý nước thải khu công viên có công suất 800m3/ngày.
Chưa kể, tại khu vực dự kiến xây khách sạn 23 tầng hiện nay, theo quy hoạch năm 1999 còn có thêm một hầm xử lý nước thải bằng phương pháp 'sục khí vi sinh, dùng bùn hoạt tính' để nước thải sau xử lý đảm bảo yêu cầu vệ sinh. Tất cả nước thải sau xử lý buộc phải bơm vào hệ thống thoát nước chung của thành phố.
Tuy nhiên, đến quy hoạch 1/500 mới phê duyệt điều chỉnh năm 2018, Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu chỉ còn 2 trạm xử lý nước thải với tổng công suất 320m3/ngày đêm. Trong đó, khu A có khách sạn cao 3-23 tầng được bố trí trạm xử lý nước thải 200m3 và khu B (khu xây thủy cung) bố trí trạm xử lý nước thải công suất 120m3. Quan ngại hơn, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho phép nước thải sau khi xử lý được tận dụng để tưới cây cỏ, rửa đường và một phần cho thoát… ra biển!
Ngoài ra, dù dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng theo tìm hiểu, báo cáo này không có các số liệu khoa học cụ thể để đánh giá về sự biến đổi dòng chảy và xói lở khi lấn biển. Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam cảnh báo việc lấn biển hàng chục ngàn mét vuông chắc chắn sẽ tác động nghiêm trọng đến dòng chảy, dẫn đến nguy cơ sạt lở bờ biển và môi trường xung quanh.
Vũng Tàu là một địa phương du lịch với thế mạnh về tài nguyên biển. Vì vậy, việc có thêm những dự án du lịch tầm cỡ để thu hút thêm du khách là cần thiết. Tuy nhiên, với những dự án đe dọa phá vỡ cảnh quan và môi trường biển thì dù đã được phê duyệt trước đó cũng nên xem xét lại thận trọng để bảo vệ nguồn tài nguyên quý báu cho con cháu đời sau.