Về việc xử lý dứt điểm sai phạm diễn ra tại tòa nhà 8B Lê Trực do Công ty CP may Lê Trực làm chủ đầu tư, cuối tháng 6/2019, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, trong trường hợp doanh nghiệp đã không nhận thức ra sai phạm mà công trình lại vi phạm từ gốc cho tới ngọn thì cần phải cưỡng chế, đập bỏ theo quy định của pháp luật để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời cũng tránh tiền lệ xấu cho các vi phạm tương tự xảy ra.
'Về nguyên tắc phải giải quyết triệt để, còn lựa chọn giải pháp nào thì phụ thuộc vào các cơ quan có thẩm quyền, chuyên môn, nhất là UBND TP. Hà Nội phải thể hiện được rõ vai trò của mình trong sự vụ này bởi dự án nằm trên địa bàn của Thủ đô.
Nếu về mặt kỹ thuật có thể xử lý thì phương án tối ưu nhất để xử lý 8B Lê Trực là trả lại theo đúng thiết kế đã được phê duyệt ban đầu.
Còn nếu không xử lý được giải pháp về mặt kỹ thuật, đảm bảo đúng thiết kế thì tôi đồng ý với quan điểm của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung là 'đập tận móng nhà vì công trình sai phạm từ tầng hầm cho tới lấn chiếm vỉa hè vì chủ đầu tư rất cùn', ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng bày tỏ.
Theo ông Hồng, điều này có thể lãng phí nhưng cũng sẽ dẫn tới tiền lệ tốt. Lâu nay vẫn thường xảy ra hiện trạng các công trình xây dựng vô tư vi phạm, khi bị phát hiện thì chủ đầu tư công trình cố tình chây ỳ, thờ ơ không khắc phục vi phạm để rồi đẩy cơ quan xử lý vào thế buộc 'phạt cho tồn tại'.
Việc đập bỏ cả tòa nhà thì sẽ liên quan đến quyền lợi của những người đã mua căn hộ tại 8B Lê Trực. Vấn đề này chủ đầu tư tòa nhà phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Bởi kinh doanh thì phải chấp nhận thực hiện đúng các hợp đồng giao dịch.
Thậm chí, nếu chủ đầu tư có thái độ cố tình không thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý thì có thể sẽ phải xử lý về mặt hình sự để thể hiện sự nghiêm minh.
Ngọc Hà