'Để giải quyết được bài toán này, Nhà nước phải tính đến chuyện người dân đóng góp cao thì phải giảm tỉ suất đóng góp' - ông nêu quan điểm.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trình bày tại hội thảo. Ảnh: V.HOA
Cần đưa giá đất sát giá thị trường
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho hay là Nhà nước bỏ tiền ra bồi thường khi thu hồi đất là rất lớn nhưng nếu giá đất để thu nghĩa vụ tài chính thấp như hiện nay thì nguồn thu ngân sách so với tiền bồi thường là rất ít. Đây là điều bất cập trong công tác quản lý đất đai hiện nay. Do đó, ông Hoan ủng hộ việc phải đưa bảng giá đất sát với giá thị trường để tăng hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai.
Ông nhìn nhận mặt bằng giá đất tại TP.HCM theo thị trường biến động rất nhanh và rất xa so với các địa phương khác. Mỗi năm giá nhà, đất tại TP đều tăng lên nên hằng năm TP phải điều chỉnh tăng 5%-7%.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), thông tin: Giá đất trong bảng giá hiện tại ở TP.HCM và Hà Nội chỉ bằng 30% giá thị trường. 'Đó cũng là lý do khiến cho các cán bộ bồi thường dù biết giá thị trường khoảng 1 tỉ đồng (trong khi giá trong bảng giá chỉ khoảng 300 triệu đồng) nhưng không ai dám nói giá thật cả' - ông Chính nói.
Ông Chính cũng thừa nhận nghịch lý khi đẩy giá đất lên cao bằng giá thị trường thì vô hình trung sẽ đẩy tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp lên cao. 'Như vậy, nếu chúng ta có thể đưa giá đất trong bảng giá bằng giá thị trường thì phải xem lại thuế suất, tỉ lệ thu nộp của người dân thì mới hài hòa được. Nếu giá đất tăng mà giữ nguyên tỉ lệ thu nộp như hiện nay thì sẽ không khuyến khích được việc sử dụng đất hiệu quả và không thu hút được đầu tư' - ông Chính nói.
Ngoài ra, ông Chính cũng cho rằng liên quan đến tài chính đất đai, có một vấn đề mà pháp luật chưa giải quyết được chính là việc chia sẻ lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi. Vì thực tế, người dân được bồi thường với giá thấp khi bị thu hồi đất nông nghiệp nhưng khi đất đó được chuyển sang đất ở hoặc đất sản xuất, kinh doanh thì họ không được chia sẻ lợi ích.
Ông cho biết Bộ TN&MT đang tính đến phương án người dân sẽ hưởng lợi ích 40%, còn lại 60% là Nhà nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phương án đưa ra bàn thảo. 'Bộ TN&MT cũng đã chuẩn bị dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định về khung giá đất mới giai đoạn 2016-2020 để Chính phủ xem xét' - ông thông tin.
TP.HCM: Nguồn thu từ đất chỉ khoảng 5%
Theo GS Đặng Hùng Võ, ở các nước phát triển, nguồn thu từ thuế đất đai và tài sản gắn liền với đất luôn chiếm 50%-90% tổng thu ngân sách địa phương. Đây chính là nguồn thu chính tại mỗi đô thị để tạo nguồn lực chính cho phát triển đô thị. Đồng thời cũng là công cụ chính để điều tiết thị trường bất động sản trong trường hợp sốt giá đất, chống đầu cơ tích trữ đất đai và kiểm soát dòng người di cư tự phát vào đô thị. Tuy nhiên, ở Việt Nam nguồn thu từ đất chỉ khoảng 20% và TP.HCM chỉ khoảng 5% tổng thu ngân sách địa phương.