Khi thấy một mặt hàng ưng ý, bạn cần tìm đến website của nhà sản xuất để kiểm chứng sản phẩm. Bạn cũng cần copy tên, model, mã số của món hàng đó rồi dùng công cụ tìm kiếm (như Google Search) để có được các thông tin cần thiết. Trong trường hợp không tìm được nhà sản xuất, bạn có thể vào các website phân phối và bán hàng để search tìm thông tin món hàng đó. Tốt nhất là tìm nhiều nguồn thông tin để kiểm chứng và xác thực.
Để khỏi bị hớ về giá, bạn có thể tham khảo thêm những người bán khác cũng bày hàng trên cùng cửa hàng online. Chẳng hạn, khi mua hàng trên Lazada, Amazon,… bạn sẽ thấy xuất hiện thông tin những cửa hàng đang có bán mặt hàng mà bạn quan tâm. Bạn cũng có thể tìm thêm giá bán từ các cửa hàng online khác. Và có một nguồn tham khảo khả tín là những website chuyên so sánh giá cả thị trường.
Ở Việt Nam hiện có một lợi thế là bạn có thể mua hàng theo phương thức thanh toán tiền mặt khi nhận hàng COD. Và khi nhận hàng, bạn nên yêu cầu nhân viên giao hàng mở gói hàng ra cho bạn kiểm tra trước khi chấp nhận thanh toán. Bạn an tâm đừng ngại gì, đây chính là một chính sách bán hàng online. Thậm chí trong quá trình sử dụng thực tế, nếu còn trong thời hạn quy định, bạn vẫn có thể sử dụng tính năng đổi hay trả hàng do lỗi của sản phẩm (vì thế, nhớ lưu giữ lại hóa đơn mua hàng).
Tất nhiên, như đã nói, chẳng có gì là tuyệt đối hết. Nhưng nếu cẩn trọng và có một số kỹ năng, bạn sẽ hạn chế được những rủi ro khi mua hàng online.