Với chi phí sản xuất cao hơn do giá nhập khẩu tăng cao, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến lạm phát của Mỹ vốn cũng đang tăng nhanh trở lại. Lạm phát tăng lại buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn để hạn chế bất ổn. Khi đó ảnh hưởng kép từ cuộc chiến thương mại và lãi suất tăng sẽ càng khiến các doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn hơn, trong khi cầu tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng khi giá hàng hóa leo thang.
Điều đáng lo hơn là không chỉ những doanh nghiệp Mỹ nội địa, mà những tập đoàn đa quốc gia đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc cũng trở thành nạn nhân khi cuộc chiến lên đến cao trào.
Thực tế đã chứng minh cảnh báo trên là đúng. Không ít doanh nghiệp đã phải hoãn kế hoạch mở rộng sản xuất tại Mỹ, bỏ bớt một số dòng sản phẩm hoặc chuyển sản xuất ra nước ngoài.
Harry Moser - người sáng lập Reshoring Initiative - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ các hãng sản xuất về địa điểm nhận xét: 'Nhìn chung, trong ngắn hạn, sản xuất tại Mỹ sẽ là bất lợi vì có thuế nhập khẩu. Tổng thống Trump hoàn toàn đúng khi tìm cách giảm thâm hụt thương mại và đưa việc làm về Mỹ nhưng chúng tôi cảm thấy ông ấy vẫn chưa chọn được công cụ tối ưu để đạt mục tiêu đó”.
Theo số liệu mới được công bố ngày 6/12 của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 10 lên tới 55,5 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 10/2008.
Đặc biệt, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với riêng Trung Quốc trong tháng 10 nhảy vọt lên mức cao nhất mọi thời đại là 43,1 tỷ USD.
Đây là tháng thứ 5 liên tiếp thâm hụt thương mại của Mỹ tăng. Trước đó, trong tháng 9, cán cân thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới thâm hụt 54,6 tỷ USD.