Kể từ sau khi từ chức đặc phái viên của Tổng thống Trump vào tháng 12/2018, ông McGurk đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích gay gắt những chính sách của chính phủ Mỹ ở Syria. Ngay cả Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsay Graham cũng khẳng định, việc Mỹ từ bỏ sự ủng hộ đối với đồng minh người Kurd chính là món quà gửi tới các đối thủ của Mỹ. Hay cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Nikki Haley nhận định đây là một 'sai lầm lớn'.
Về phần mình, trong nhiều tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng đã lên tiếng đe dọa điều động quân đội tới phía đông bắc Syria. Thậm chí, vào ngày 24/9, tại cuộc họp của Đại hội đồng LHQ ở New York, ông Erdogan còn trưng ra một tấm bản đồ về vùng an toàn mà nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập ở Syria.
Cũng theo Tổng thống Erdogan, 2 triệu người trong tổng số 3,7 triệu người tị nạn Syria đang sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở về Syria và sinh sống trong vùng an toàn mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập.
Theo Bloomberg, khu vực hiện nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ và quân đồng minh người Kurd ở Syria trải dài khoảng 200 dặm về phía nam từ vùng an toàn do Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất cho tới Raqqa. Trong đó, Raqqa từng là cứ điểm của IS và cũng là vùng đất có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn nhất ở Syria. Thậm chí, vào năm 2018, lực lượng máy bay chiến đấu của Mỹ được cho đã tiêu diệt khoảng 200 lính đánh thuê Nga tham gia trận đánh nhằm giành lại một cơ sở lọc dầu ở Syria.
Ông Vladimir Frolov, cựu quan chức ngoại giao Nga tại Moscow cho rằng để đổi lại việc cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch tấn công người Kurd ở Syria, Moscow đã yêu cầu Tổng thống Erdogan để các lực lượng quân đội chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn triển khai trận đánh cuối cùng vào Idlib. Idlib là vùng đất duy nhất đang nằm dưới tay của các lực lượng phiến quân Syria và một vài nhóm trong số này có mối liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda.
Cũng theo ông Frolov, những kế hoạch quân sự trên đã nằm trong thỏa thuận ngừng bắn ở Syria được ký kết vào tháng 9/2018 mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò làm trung gian hòa giải.
Hồi tuần trước, phát biểu trong cuộc họp thường niên của Câu lạc bộ Valdai tại thành phố Sochi, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng đã có tuyên bố ám chỉ chấp thuận chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Theo ông Lavrov, chiểu theo thỏa thuận ký kết với Syria vào năm 1998, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền đánh đuổi quân khủng bố ở khu vực cách biên giới 5 km.
'Chiến dịch tấn công người Kurd của Tổng thống Erdogan có thể tạo ra tác động tích cực cho Nga khi mà quân đội Mỹ đang rút quân khỏi khu vực Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị tiến vào. Đây là lúc người Kurd nhận ra rằng, họ cần phải ký kết thỏa thuận với chính quyền Damascus', ông Ruslan Mamedov, chuyên gia phân tích tình hình Trung Đông tại Hội đồng Đối ngoại Nga, một nhóm nghiên cứu được điện Kremlin tài trợ, cho hay.
Trong bài phát biểu hôm 7/10, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga hiểu mong muốn đảm bảo an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ, song Moscow hy vọng quyền hợp nhất lãnh thổ của Syria sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch quân sự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
'Tất cả lực lượng quân sự nước ngoài hoạt động trái phép trên lãnh thổ Syria cần phải rời đi', ông Peskov nhấn mạnh.
Video: Quân đội Mỹ rời khỏi khu vực người Kurd kiểm soát ở phía bắc Syria