Ở đây, BQL dự án mới đang tính làm xong đường, còn chống ngập là việc của người khác lo chứ không phải mình nên mới đề xuất như vậy. Đề xuất trên rất thiếu trách nhiệm, không căn cơ, tạo ra những tiền lệ xấu kiểu 'việc ai biết người đó còn hậu quả dân tự gánh'', TS Hồ Long Phi nói.
Theo vị chuyên gia, việc làm đường và chống ngập phải được đặt trong một giải pháp căn cơ, nằm trong chủ trương chung của thành phố. HĐND TP.HCM phải có quan điểm về việc này.
'Tại sao lại có một dự án như vậy mà HĐND, UBND thành phố không có ý kiến gì? Vì sao một dự án không vì lợi ích của người dân vẫn được phê duyệt để rồi khi thực hiện thì gây ra tranh cãi? Tôi cho rằng, HĐND, UBND thành phố phải có quan điểm rõ ràng về dự án này', TS Hồ Phi Long nói thêm.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cũng khẳng định, chắc chắn một bộ phận người dân, những người ở hai bên mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh có nhà cửa bị tụt xuống khi nâng đường lên. Như vậy, những người sinh sống ở trong hẻm, đặc biệt là những con hẻm đang thấp hơn mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh không phải là người hưởng lợi từ việc nâng đường.
'Một dự án không vì lợi ích của dân rất khó nhận được sự đồng thuận', PGS Nguyễn Lê Ninh nêu quan điểm.
TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cũng khẳng định đồng tình với những nhận định trên. Ông cho rằng, nếu nâng mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh lên, nước chắc chắn sẽ đổ vào nhà dân, gây khó khăn cho sinh hoạt của họ bởi nhà cửa ở đây đã xây dựng ổn định.
Đáng lưu ý, ông Cương lấy làm lạ vì quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước của TP.HCM đã có phương án đắp đê, giờ không hiểu sao lại làm cục bộ ở đường Nguyễn Hữu Cảnh?
'Đã đắp đê rồi thì không nâng đường nữa, cần phải làm rõ điểm này. Hơn nữa phải xem toàn bộ khu vực thế nào, đường sá ra sao...', KTS Võ Kim Cương nói.
Nhìn rộng hơn, vị KTS cho rằng công tác chống ngập tại TP.HCM vừa rồi có rất nhiều chuyện kỳ lạ mà ông cũng không hiểu hết. Điểm kỳ lạ theo ông là TP đã có một đề án quy hoạch chống ngập tổng thể rồi nhưng vẫn có những dự án lẻ kiểu như máy bơm chống ngập hay nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Theo ông, 'chống ngập phải có hệ thống, phải nằm trong cả một giải pháp tổng, không thể có quy hoạch tổng thể nhưng vẫn có những dự án riêng lẻ để tiêu tiền', KTS Võ Kim Cương nhận định.
Ông nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là giữa các phương án là phải có sự kết nối với nhau. Giải pháp thoát nước với chống ngập về tổng thể chính là một, mới có thể điều chỉnh được.