Giữa lúc chia rẽ trong NATO ngày càng lớn, Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra một 'nét chấm phá' khác khi vài năm trở lại đây tỏ rõ chính sách xích lại gần Nga. Ví dụ điển hình nhất là việc Ankara kiên quyết mua các hệ thống phòng không S-400 mà NATO cho là hoàn toàn trái với các tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống phòng thủ của khối.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lại không quên nhấn mạnh rằng câu nói 'NATO đã chết não' của ông Tổng thống Pháp Macron gần đây là 'vớ vẩn'. Thậm chí, ông Erdogan còn cho rằng chính ông Macron 'mới là kẻ đã chết não' và 'đang hỗ trợ khủng bố'. Đây được coi là một phát biểu rất nặng lời về một nguyên thủ quốc gia cùng thuộc khối quân sự.
Thêm kẻ thù, thêm chia rẽ
Sau Nga, NATO bỗng dưng đồng tình với Mỹ khi xác định Trung Quốc là mối đe dọa mới, mặc dù không chính thức. Hồi tháng 7/2019, cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen (nhiệm kỳ 2009-2014) đột nhiên cảnh báo EU hãy coi Trung Quốc là kẻ thù chính. Đây được coi là một xu hướng rất mới và mạnh mẽ tại châu Âu, bởi ông Rasmussen không phải một chính trị gia cấp trung, mà còn từng giữ chức thủ tướng Đan Mạch trong hai nhiệm kỳ (2001-2009).
Hiện nay, giới chức NATO đang nghiên cứu về vai trò của khối này trước 'mối đe dọa an ninh mạng' và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Hiện đã có đề xuất NATO cần can dự cả vào an ninh Biển Đông. Vấn đề được giới phân tích chỉ ra là NATO không có đủ tàu chiến để làm việc này.
Ngoài Anh, Pháp và Mỹ, các quốc gia khác trong NATO không có đủ khả năng để vươn sang tận Ấn Độ Dương hay vùng biển Đông Nam Á. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron một lần nữa 'đi ngược' dòng khi nói thẳng rằng NATO không nên coi Trung Quốc là kẻ thù.
Binh sĩ Trung Quốc tham gia tập trận chung với Nga
Giới phân tích Anh cho rằng, với sự bất đồng lớn giữa Mỹ và Pháp về mục tiêu của NATO, cùng các hoạt động riêng của Thổ Nhĩ Kỳ, nguy cơ khó khởi động cơ chế 'phòng thủ chung' của khối là có thật. Theo cơ chế này, 'kẻ thù tấn công một thành viên NATO sẽ bị cho là tấn công cả khối' được ghi trong Điều 5 Hiến chương NATO.
Lần này cũng là Pháp khi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly kêu gọi Mỹ không nên ép buộc các thành viên NATO phải mua vũ khí của họ, nhất là trong chương trình F-35. Bà Parly nói: 'Không thể cho phép xảy ra việc Washington gây sức ép biến Điều 5 trong Hiến chương NATO quy định trách nhiệm các thành viên giữ gìn sự đoàn kết, thành Điều F-35 ép buộc họ phải mua vũ khí Mỹ'.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp chỉ trích Mỹ ép đồng minh mua vũ khí
Tạp chí Foreign Policy của Mỹ cho rằng sự bất ổn nội bộ của NATO là một món quà nguy hiểm đối với Nga, vốn có quan hệ căng thẳng với NATO kể từ năm 2014. Trong vòng vài năm qua, Nga và NATO đã bị vướng vào một cái bẫy an ninh, nơi mà không bên nào tin tưởng vào ý định của nhau, đồng thời tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự để răn đe đối thủ.
Vào giữa năm 2018, NATO và Mỹ đã điều động khoảng 4.500 binh sỹ đồn trú tại 3 quốc gia thuộc vùng Baltic và Ba Lan cũng như vài nghìn lính thiết giáp khác ở Đông Âu nhằm ngăn chặn cái gọi là 'sự xâm lược' của Nga.
Trong khi đó, Nga cũng chắc chắn coi việc tăng cường lực lượng này như một hành động xâm lược. Giới phân tích Mỹ lo ngại các hậu quả trong ngắn và trung hạn, bao gồm tình trạng căng thẳng hơn trong NATO và các phản ứng không tránh khỏi từ Nga.