Trên thực tế, theo Avia.pro, các chiến đấu cơ hiện đại F-35 của quân đội Mỹ, Anh và Israel từng thực hiện nhiều chuyến bay qua những khu vực mà hệ thống phòng không S-400 của Nga hoạt động. Song cho tới nay, chưa có bằng chứng nào chứng minh S-400 có thể phát hiện F-35 ở khoảng cách xa từ 200 – 250 km. Hiệu quả hoạt động của S-400 cũng từng là đề tài gây tranh cãi trong giới chuyên gia quân sự trên thế giới.
Còn theo Military Today, S-500 được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo. Phạm vi hoạt động là từ 500 – 600 km. S-500 có thể đánh trúng các mục tiêu hoạt động trên độ cao 40 km.
Một số nguồn tin cũng cho biết, S-500 có thể theo dõi từ 5 – 20 tên lửa đạn đạo và đánh chặn từ 5 – 10 mục tiêu cùng lúc. Đáng nói, S-500 có thể tiêu diệt các tên lửa đạn đạo mục tiêu di chuyển ở tốc độ 5 – 7 km/giây. Ngay cả những vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo thấp cũng có thể bị S-500 bắn hạ.
Theo kế hoạch, S-500 sẽ được triển khai làm lá chắn bảo vệ thủ đô Moscow của Nga và các vùng lân cận cũng như thay thế hệ thống chống tên lửa đạn đạo hiện thời là A-135.
Trong khi đó, hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga được thiết kế để tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa tầm trung và cũng có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu mặt đất. Tầm bắn đạt 400 km, hệ thống S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao tới 30 km.