Ông Nguyễn Văn Trực, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết: 'Thông qua chợ phiên sẽ giúp kết nối, xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Sở đang trong quá trình chuyển giao dần việc tổ chức các chợ phiên thông qua xã hội hóa. Tức là sẽ có đơn vị chuyên trách kết nối từ khâu sản xuất, vận chuyển đến hoạt động của các chợ phiên mang tính chuyên nghiệp hơn. Từ đó, chợ phiên sẽ có đủ nguồn lực để nhân rộng tại 24 quận, huyện'.
Sản xuất nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh đang chuyển dần từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị. Thành phố đã lựa chọn các sản phẩm bò sữa, tôm, rau sạch, hoa lan, cây cảnh, cá cảnh là sản phẩm chủ lực nhằm phát triển mạnh, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã phê duyệt đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn vùng nông thôn thành phố đến năm 2020. Các chủ trương, chính sách của thành phố đều tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp đô thị, trong đó tập trung các sản phẩm nông nghiệp chủ lực an toàn.
Theo bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh: Để sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đến được tay người tiêu dùng, cần tập trung phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tổ chức bầu chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, ưu tiên hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời xây dựng chuỗi liên kết '4 nhà' để bảo đảm an toàn thực phẩm từ hoạt động sản xuất nuôi trồng đến tiêu thụ. Các chợ phiên NSAT là kênh phân phối quan trọng để nguồn nông sản sạch đến tận tay người tiêu dùng.