Nhưng nhìn vào một thực tế, bao nhiêu chùa chiền cũng “chưa đủ” với sức lễ đầu xuân của người Việt, nhà nghiên cứu Nguyễn Tài Đức cho rằng: “Dân mình thế, chen nhau đi lễ chùa, lễ phủ hay bất cứ địa điểm lễ hội, thực ra là xu hướng tâm lý đám đông. Cứ đặc biệt là người ta tò mò và đua nhau tìm về. Ví dụ, lễ hội chùa Hương xưa là Rằm tháng Giêng hoặc Rằm tháng Hai mới bắt đầu nhưng giờ nhà nước đã tổ chức từ mùng 6 để thu hút khách du lịch, du xuân. Nhưng thử hỏi, chen chúc nhau như thế thì có gì thanh tịnh?
Hay Pháp Ấn đền Trần cũng thế. Đó không phải là văn hóa. Là việc ngày xưa 23 Tết người ta niêm phong dấu của cung sở, quan phủ đến ngoài riêng thì mở ra để làm việc năm mới, chứ không phải đến mọi người xin hay dựa vào đó để thăng quan tiến chức. Một quan niệm sai lầm!”.
Về việc nhiều người cho rằng, việc xây dựng chùa lớn nhất thế giới cũng là một cách quảng bá hình ảnh Việt Nam và Phật Giáo Việt Nam ra thế giới, nhà nghiên cứu Nguyễn Tài Đức phủ nhận: “Ở Việt Nam hiện nay xây chùa chiền chỉ để đi lễ chứ không phải đi sâu vào giáo lý, hướng thiện như thế nào. Thực tế, 100 người đi lễ thì may có 1-2 người biết về giáo lý, nhưng những người đó có khi lại không đến những nơi đền to phủ lớn mà họ lễ ở nơi thanh tịnh hơn. Thậm chí có người đi vào chùa tụng kinh nhưng chẳng hiểu nổi kinh mình tụng là như nào cả.
Tác dụng trước mắt có thể thấy là để lại cho đất nước một công trình, vậy thôi. Nói chung mục đích du lịch là chính, còn bảo để quảng bá Phật giáo, giác ngộ Phật giáo, hướng thiện thì rất mờ nhạt”.
Tuy nhiên, cùng vấn đề này, sư thầy Thích Minh Quang - trụ trì chùa Địa tạng Phi Lai tại Hà Nam lại có cái nhìn khác. Sư thầy cho rằng, Việt Nam là một đất nước có sự tôn trọng Đạo Phật từ xưa, đặc biệt Phật giáo đã trở thành quốc giáo từ thời Lý - Trần. Việc xây dựng một ngôi chùa lớn nhất thế giới tại đây là điều hoàn toàn hợp lý: Vừa quy hoạch được một nơi địa linh để thờ Phật, lại có thêm một địa điểm cho khách thập phương vãn cảnh, du lịch tâm linh.
Theo sư thầy Thích Minh Quang: “Ngày trước, thầy cũng hiểu du lịch tâm linh đơn thuần như đại đa số mọi người đang hiểu: Là như một hình thức kinh tế tôn giáo, buôn thần bán thánh. Nhưng qua quá trình chiêm nghiệm thầy nhìn nhận lại, du lịch tâm linh đúng nghĩa là đưa con người vào một chuyến du lịch quay trở về với cội nguồn tâm linh của mình, tìm lấy khoảng lắng bình yên cho tâm hồn.
Cá nhân thầy cũng xây chùa nên thầy biết, vốn bỏ ra là không nhỏ, nhất là với ngôi chùa lớn như thế. Ví dụ chùa thầy trụ trì, khi du khách đến không mất đồng nào mà thậm chí còn càn quét cho gần nát. Ý thức của người đi chùa hiện giờ rất là kém, họ đến để thỏa mãn trí tò mò. Chùa nhà thầy không thu phí, không bán vé mà mỗi ngày thầy bỏ ra 4 triệu tiền nhân công dọn rác. Như vậy, thầy ngẫm ở Bái Đính hay Tam Chúc, lượng nhân công và chi phí sẽ đến mức nào? Thầy nghĩ, mức thu phí chỉ nhằm hỗ trợ trang trải tiền công thợ thuyền và làm cho con người khi mất đồng tiền sẽ có ý thức hơn.
Thầy ủng hộ việc xây dựng chùa lớn vì dân mình thỏa mãn trí tò mò cái gì cũng phải lớn nhất, to nhất, đẹp nhất, họ sẽ đua nhau đến đó. Nhất là những ngày đầu xuân năm mới, thay vì ở nhà nhậu nhẹt, cờ bạc… để mọi chuyện trở nên xấu hơn thì nhân dân đi chùa đầu xuân, đi với nhau đến đất Phật thì cũng vẫn hay hơn.
Còn trong kinh nhà Phật, Đức Phật có nói: “Vào thời sau này, hễ có chúng sinh khẽ đi qua nơi thờ cúng Như Lai, khẽ nghiêng mình vô tình cúi đầu thì nhiều đời sau sẽ có duyên mà thành Phật”. Người đến chùa vì cái tâm kính Phật mà về, người vì sự tò mò, người vì một chuyến du lịch ngày xuân cùng gia đình... hoặc vì nhiều lý do khác nhau thì ít nhất con người cũng có đạo, có tâm”.
Ngoài ra, sư thầy Thích Minh Quang cũng nhấn mạnh: “Chùa Bái Đính hay Tam Chúc giống như lớp mẫu giáo. Mẫu giáo là nơi không thể dạy bài bản mà chỉ là nơi để vui chơi, để trẻ làm quen chữ cái, là bước đệm để con người tiến lên lớp 1, lớp 2. Hai ngôi chùa này cũng vậy, thu hút du khách, Phật tử đến đây một ngày, gần Phật một ngày là một ngày họ không dám nói tục, chửi bậy, không nghĩ điều ác…
Dân mình có một thói quen xấu, đó là cứ thấy lạ là thích nhưng vẫn soi mói, bới móc, châm chích, đố kỵ. Nhưng vài chục năm, hay trăm năm nữa sẽ lại tôn vinh: Ngày xưa, thời đó có một người như thế đứng ra xây dựng quần thể đó. Không có những công trình như thế thì con cháu đời sau lấy gì làm văn hóa?
Chúng ta nên dành thiện cảm. Dù mục đích có ra sao thì dân chúng, ngay cả dân nghèo cũng đang được hưởng lợi. Nếu cá nhân giàu có đó bỏ tiền xây dựng những nơi cao cấp dành cho giới nhà giàu như casino, khách sạn 5 sao… người nghèo làm gì đến lượt”.