Theo khuyến cáo của TS.BS Nguyễn An Tuấn, Trưởng phòng Cấp cứu tổng hợp, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), khi thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với biểu hiện như: mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, nôn ói thì phải khẩn trương sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh.
Việc sơ cứu ban đầu cho người bị sốc nhiệt rất quan trọng, quyết định đến việc điều trị và di chứng sau này. Trẻ em bị sốc nhiệt có thể đe dọa đến tính mạng nếu như không được xử trí kịp thời. Vì vậy khi thấy có người bị sốc nhiệt :
- Nhanh chóng đưa bệnh nhân tới chỗ mát, cởi bớt quần áo và chườm mát vào vùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân. Nên sử dụng túi chườm, hoặc vải thấm nước lạnh. Có thể dùng vòi nước mát, hay xô nước mát xối lên người… Có thể tưới nước mát, hoặc nước hơi ấm lên người nạn nhân, quạt để thúc đẩy ra mồ hôi và bốc hơi... đồng thời gọi xe cấp cứu đưa đi bệnh viện. Nếu xe cấp cứu ở xa, hoặc không đến ngay được thì hỏi nhân viên y tế cách sơ cứu nạn nhân.
- Nếu nạn nhân còn tỉnh táo và có thể uống, hãy cho uống nước mát hoặc nước lạnh không chứa cồn và cafein.
- Theo dõi thân nhiệt của nạn nhân thường xuyên, liên tục làm mát cho đến khi nhiệt độ giảm xuống còn khoảng 38,3 - 38,8 độ C.
- Tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt cho bệnh nhân vì không có giá trị khi bị sốc nhiệt.
– Cho trẻ/ bệnh nhân uống nước (không có cồn hoặc các chất kích thích) nếu trẻ/bệnh nhân có thể uống được.
– Cho trẻ/ bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế uy tín để được xử trí kịp thời.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, say nắng, sốc nhiệt có nguy cơ xảy ra rất cao trong những ngày nắng nóng với tất cả mọi người.
Phòng tránh sốc nhiệt
Phòng tránh sốc nhiệt là khi trời nắng nóng cần hạn chế ra đường vào những ngày nắng nóng, nhất là trẻ em. Cha mẹ không nên cho trẻ hoạt động hay chơi quá lâu trong môi trường thời tiết nóng bức. Người lớn cũng không nên lao động, đi lại dưới trời nắng nóng cao điểm. Nếu buộc phải ở dưới trời nắng nóng lâu cần bổ sung nước, dinh dưỡng đầy đủ để tránh bị sốc nhiệt.
– Uống nhiều nước, nên chia ra uống nhiều lần trong ngày và không nên để trẻ cảm thấy khát nước rồi mới uống.
– Mặc đồ thoáng và nhẹ, và tránh mặc quá nhiều lớp áo.
– Nên cho trẻ tập thể dục vào những thời điểm mà nhiệt độ môi trường ít nóng nhất.
– Hạn chế cho trẻ ra ngoài dưới thời tiết nắng nóng oi bức.
Điều quan trọng phòng ngừa sốc nhiệt là tránh để cơ thể mất nước và không hoạt động mạnh trong những ngày thời tiết nóng ẩm.
- Nếu phải hoạt động (lao động, đi học...) nhiều trong những ngày nóng, cần bổ sung các chất điện giải (natri) và nước cho cơ thể. Uống nhiều nước (nước lọc và các thức uống thể thao bù muối và chất khoáng, các loại nước giải nhiệt...
- Tránh uống các thức uống có cồn, cafein và đường vì có thể gây mất nước.
- Thường xuyên nghỉ giải lao, mặc quần áo mỏng nhẹ, sáng màu.
- Người lao động cần mặc áo chống nắng, kính bảo hộ khi ra ngoài trời.
- Tăng cường rèn luyện sức khỏe, tăng khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt. Học cách xử trí khi gặp các vấn đề liên quan đến nắng nóng.
Có thể chống nắng bằng việc bố trí thời gian làm việc ngoài trời và nghỉ ngơi hợp lý, tránh tiếp xúc môi trường nhiệt độ cao quá lâu. Có thể thay đổi giờ học, làm việc sớm hơn 30 phút so với các mùa khác (ví như từ 7h30 lên 7 giờ sáng) để bớt phải đi lại lúc trưa nắng. Hoặc buổi chiều thì hoạt động sau 16 giờ khi trời đã dịu bớt nắng nóng.