Trong khi nói rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dừng cuộc xâm lược và để Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) mà Ankara xem là tổ chức khủng bố rời khỏi vùng an toàn, ông Cavusoglu từ chối gọi đây là lệnh ngừng bắn. Ông cho rằng lệnh ngừng bắn chỉ có khả năng giữa 'hai bên hợp pháp'.
Ông cũng nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược ban đầu của mình và lập ra vùng an toàn sâu 32 km dọc biên giới với Syria trải từ sông Euphrates tới biên giới Syria với Iraq. Ông Cavusoglu nói thêm theo thỏa thuận với phía Mỹ, vùng an toàn này sẽ do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.

Xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới Syria ngày 12-10. Ảnh: REUTERS
Một phần khác trong thỏa thuận bao gồm 'thu thập' các vũ khí hạng nặng của YPG (lực lượng nòng cốt của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo) và phá hủy các vị trí của họ trong khu vực. Ông Cavusoglu nói rõ rằng Thổ Nhĩ Kỳ không hề trao cho Mỹ bất kỳ 'sự đảm bảo' nào về số phận của những TP như Kobani (được người Kurd giải phóng khỏi IS năm 2015).
Đồng thời, ông nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch thảo luận về số phận của những TP nằm trong vùng an toàn như Manbij tại cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Sochi, Nga.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng lệnh trừng phạt không còn cần thiết nữa sau khi đạt được thỏa thuận. Ca ngợi kết quả cuộc đàm phán là 'tuyệt vời', Tổng thống Trump cũng nói rằng điều đó đòi hỏi một 'tình yêu mạnh mẽ' mới đạt được thỏa thuận.
Về phía lực lượng người Kurd, theo kênh Al Jazeera, Mazloum Abdi – chỉ huy SDF nói rằng các lực lượng do người Kurd lãnh đạo sẽ tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Phạm vi của lệnh ngừng bắn trải dài 100 km dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ từ thị trấn Tel Abyad tới Ras al-Ain, ông Abdi nói với Ronahi TV.
'Chúng tôi đã không thảo luận về số phận của các khu vực khác', ông nói, nhắc tới các khu vực ở đông bắc, nơi Thổ Nhĩ Kỳ muốn lập một vùng an toàn.
'Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể vì sự thành công của thỏa thuận ngừng bắn', ông Abdi nói, mô tả đây là 'thỏa thuận tạm thời'.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hoan nghênh những nỗ lực giảm căng thẳng ở đông bắc Syria và bảo vệ dân thường. Trong một tuyên bố, Liên Hiệp Quốc cho hay 'Tổng thư ký thừa nhận rằng vẫn còn con đường dài phải đi vì một giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng ở Syria'.