Vậy thực chất thỏa thuận này bao gồm những gì?
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố hành động quân sự ở Syria là 'hợp pháp'
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 9/10 tuyên bố khởi động chiến dịch quân sự mang tên 'Mùa xuân Hòa bình' ('Operation Peace Spring', tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là 'Baris Pinari') ở miền bắc Syria, chống lại các tay súng của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra ba mục tiêu chính của chiến dịch: Một là bảo vệ biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ khỏi những kẻ khủng bố; Hai là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Syria; Ba là đảm bảo 'sự trở lại của những người tỵ nạn Syria đã bị chiến tranh xua đuổi khỏi quê hương'.
Sau đó, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp sự hỗ trợ cả trên không lẫn trên bộ cho nhóm phiến quân mang tên 'Quân đội Syria Tự do' (FSA - Free Syrian Army), một nhóm vũ trang tự xưng là phe đối lập Syria, chia làm 2 đường từ phía tây sông Euphrates (phía tây tỉnh Aleppo) tiến sang phía đông con sông này và từ biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ tiến sang.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thôi ý định lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad
Chiến dịch quân sự trái phép của Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của chính quyền Syria. Damascus cáo buộc 'hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là cuộc xâm lược và chiếm đóng trái phép, đe dọa an ninh và hòa bình quốc tế theo Điều 39 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc'; do đó, Syria có quyền chính đáng để tự vệ cả về cả ngoại giao và quân sự, theo Điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc quy định về quyền tự vệ.
Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu cùng với các cường quốc khác như Nga, Mỹ, Iran và các quốc gia thuộc khối Ả Rập.
Bất chấp bị cộng đồng quốc tế phản đối, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng, Ankara có quyền thực hiện chiến dịch 'Mùa xuân Hòa bình' ở Syria nhờ Thỏa thuận Adana năm 1998, cho phép chính phủ nước này có quyền thực hiện các hoạt động xuyên biên giới với 'quy mô nhỏ' chống lại những kẻ khủng bố ở khu vực biên giới Syria.
Nội dung của Thỏa thuận Adana 1998 như thế nào?
Thỏa thuận Adana được ký kết vào ngày 20/10/1998, vào thời điểm quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vô cùng căng thẳng và hai nước láng giềng này đang nằm trên bờ vực chiến tranh.
Khi đó, Damascus đã cho phép Abdullah Ocalan, lãnh đạo Đảng Công nhân người Kurd (PKK), trú ẩn và chỉ đạo các hoạt động của PKK, trong lãnh thổ của mình. Khi Ankara đe dọa tiến hành các hoạt động quân sự, Damascus đã trục xuất Ocalan và đóng cửa các trại PKK ở nước này.
Thỏa thuận Adana được vạch ra để giúp hai bên khôi phục quan hệ song phương.
Theo thỏa thuận này, Syria công nhận PKK là một tổ chức khủng bố và cam kết không cung cấp bất kỳ loại hỗ trợ nào, từ tài chính, hậu cần đến quân sự cho tổ chức này.
Thỏa thuận Adana gồm những điều khoản mang tính nguyên tắc như sau:
1. Trục xuất lãnh tụ PKK Abdullah Ocalan khỏi lãnh thổ Syria và cam kết Ocalan sẽ không bao giờ được phép vào Syria.
2. Các phần tử PKK ở nước ngoài sẽ không được phép vào Syria.
3. Phá hủy các trại huấn luyện và căn cứ của PKK trong lãnh thổ Syria và bảo đảm chắc chắn PKK sẽ không được phép hoạt động ở Syria.
4. Bắt giữ và xét xử nhiều thành viên PKK. Danh sách này đã được Syria chuẩn bị và chuyển giao cho phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã xác nhận các điểm nêu trên. Trên cơ sở các nguyên tắc trên, các bên cũng đã đồng ý về các điểm cụ thể như sau:
1. Syria sẽ không cho phép bất kỳ hoạt động nào xuất phát từ lãnh thổ của mình gây nguy hiểm cho an ninh và ổn định của Thổ Nhĩ Kỳ. Damascus sẽ không cho phép bất cứ cá nhân và tổ chức nào cung cấp vũ khí, tài liệu hậu cần, hỗ trợ tài chính và cấm các hoạt động tuyên truyền của PKK trên lãnh thổ của mình.
TIN TÀI TRỢ
Sức Khỏe Nam Học
Tin tài trợ
Sức Khỏe - Đời Sống
Tin tài trợ