Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây luôn giữ mức tăng trưởng ấn tượng với gần 10%/năm. Doanh nghiệp Việt tham gia vào thị trường này phát triển lớn mạnh, có khả năng cân bằng và cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại.
Cuộc cạnh tranh mới
Theo các chuyên gia, trong cuộc cạnh tranh giành thị phần bán lẻ hiện nay thì việc chiếm vị thế mặt bằng không còn là số 1, các doanh nghiệp phải có những thay đổi kịp thời để bắt kịp xu hướng người tiêu dùng và ứng dụng công nghệ vào mua sắm.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, để đạt được độ phủ rộng khắp 63 tỉnh thành đòi hỏi các doanh nghiệp bán lẻ phải có sự hiểu biết nhất định về vùng miền, địa phương, cũng như chiến lược phát triển toàn diện để có thể phục vụ được tất cả khách hàng. 'Nhiều doanh nghiệp bán lẻ thất bại chính là do không hiểu được thị trường và tâm lý của người tiêu dùng Việt', bà Loan nhận định.

Nhiều xu hướng mua sắm mới
Theo ông Tuấn Phạm, giám đốc nghiên cứu thị trường Asia Plus, các nhà bán lẻ nội đang có những lợi thế nhất định so với chuỗi bán lẻ ngoại. Thứ nhất, là do họ có khả năng phủ sóng rộng khắp cả nước. Thứ hai, họ hiểu về hành vi tiêu dùng của người Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế này để giành lại thị phần, bứt phá trong thời gian tới.
Bà Thái Thị Thanh Hải, Tổng giám đốc Vincommerce, tiết lộ, trong 5 năm tới doanh nghiệp này sẽ chú trọng xây dựng chiến lược sản phẩm và tạo sự khác biệt thông qua quá trình địa phương hoá và cá nhân hoá.
Theo đó, doanh nghiệp này sẽ đầu tư ứng dụng công nghệ tạo ra nhiều tiện ích, trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Vincommerce tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp để nghiên cứu khách hàng cơ cấu lại sản phẩm theo hướng địa phương hoá sản phẩm, cá nhân hoá nhu cầu của người tiêu dùng theo từng khu vực, địa phương.
Trong năm nay, Vincommerce tiên phong đem tới một trải nghiệm hoàn toàn mới khi ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua tính năng mua sắm trên ứng dụng ví điện tử.
Hay như Co.opmart, Co.opXtra mới đây cũng ra mắt mua sắm thông qua app và nhận thức ăn ngay tại nhà. Mô hình này sẽ được mở rộng ra phạm vi toàn quốc vào năm 2020 để phục vụ hàng triệu khách hàng khắp 3 miền và dự kiến triển khai dịch vụ thanh toán bằng ví điện tử.
Để đặt được thành công, đòi hỏi các ông lớn bán lẻ đủ sức tài chính để đi đường dài. Kết quả kinh doanh cho thấy, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ ngoại như Lotte, Aeon có doanh thu khiêm tốn thì các nhà bán lẻ nội có kết quả khả quan hơn.
Chuỗi siêu thị bán lẻ Lotte Mart đã thua lỗ liên tục trong hơn 10 năm kể từ khi có mặt tại Việt Nam. Tập đoàn Lotte mới đây cam kết sẽ đầu tư dài hạn, chấp nhận lỗ trong ngắn hạn. Dự kiến đến năm 2020, Lotte Mart sẽ bắt đầu có lợi nhuận tại thị trường Việt Nam.